Sau các đợt di cư vì Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, Dubai đang chứng kiến làn sóng người giàu đổ đến trú ẩn vì lo ngại về xung đột tại Trung Đông.
Gần đây, Dubai tiếp tục trở thành điểm đến trú ẩn của giới nhà giàu trong tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông, nhất là sau vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh tại Iran.Kinh tế Dubai trong quý I đạt tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, ngành tài chính và bảo hiểm tăng 5,6%, đóng góp 13,1% vào tổng GDP. Bất động sản và du lịch tăng lần lượt 3,7% và 3,8%, theo Trung tâm Thống kê của nước này.
Theo Reuters, một số công ty quản lý tài sản cho biết Dubai đang nổi lên như điểm đến ưa thích của nhiều doanh nhân và gia đình giàu có tại các quốc gia trên thế giới.
Sự phục hồi kinh tế sau Covid-19, lập trường chính trị trung lập, điều kiện xin cư trú và kinh doanh dễ dàng, múi giờ thuận tiện và tình trạng miễn thuế là những yếu tố góp phần khiến Trung Đông thu hút làn sóng người giàu có trong những năm gần đây.
"Dubai đang ở vào một vị thế rất độc đáo. Chúng tôi vô tình hưởng lợi từ các cuộc khủng hoảng trong khu vực", ông Zhan Jochinke, CEO công ty tư vấn bất động sản Property Monitor nói với AP.
Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, nhu cầu từ người mua Trung Quốc đã đưa thị trường bất động sản Dubai trở thành "thỏi nam châm" thu hút các cá nhân giàu có.
Theo Knight Frank, về lâu dài, xu hướng này sẽ đưa Dubai trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu như New York, London và Singapore.
Đường phố tại Dubai (Ảnh: Bloomberg).
Theo chuyên gia Faisal Durrani, trưởng nhóm nghiên cứu khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Knight Frank, phân khúc bất động sản văn phòng và nhà ở của Dubai được cho là sẽ tăng giá trong năm tới do nhu cầu cao và nguồn cung khan hiếm.
"Dubai như một thỏi nam châm thu hút những người giàu có trên thế giới", ông Durrani nói với SCMP.
Chuyên gia này cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông, khả năng kết nối toàn cầu và tư duy tiến bộ đã nâng cao danh tiếng và vị thế của Dubai trên toàn cầu.
"Điều này được chứng minh bằng việc các cá nhân có tài sản ròng cao trên toàn cầu không ngừng muốn sở hữu ngôi nhà thứ 2 ở đây hoặc chuyển đến sống tại khu vực này", ông nói thêm.
Tính chung 6 tháng, nhờ làn sóng nhà giàu di cư, giá bất động sản và dịch vụ du lịch tại Dubai không ngừng tăng cao và liên tục ghi nhận kỷ lục mới. Cụ thể, giá nhà hạng sang đã lên mức kỷ lục.
Thậm chí, trận lụt lịch sử vào tháng 4 vừa qua cũng không thể làm hạ nhiệt thị trường này. Giá trị các biệt thự cao cấp ở Dubai đã tăng khoảng 38% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, theo hãng tư vấn bất động sản ValuStrat.
Về du lịch, sân bay quốc tế Dubai đã đón kỷ lục 44,9 triệu lượt khách trong nửa đầu năm nay. "Chúng tôi dự báo số lượng hành khách qua sân bay sẽ đạt 91,8 triệu lượt trong năm nay, lại là một kỷ lục nữa", ông Paul Griffiths, giám đốc điều hành cơ quan quản lý sân bay Dubai Airports, chia sẻ với AP.
Khoảng 9,3 triệu du khách đã đến Dubai nửa đầu năm, vượt qua mức trước đại dịch, theo nghiên cứu của ngân hàng Emirates NBD. Dubai cũng có kế hoạch đưa vào hoạt động một sân bay mới trị giá gần 35 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang đặt câu hỏi về tính bền vững của các thị trường liên tục lập kỷ lục tại Dubai. Một số chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng cung vượt quá cầu trong lĩnh vực nhà ở có thể khiến thị trường chậm lại.
Bà Tatjana Lescova, chuyên gia phân tích tại S&P Global, nhận định rằng một lượng lớn căn hộ được xây dựng từ 2021 sẽ tung ra thị trường vào 2025 và 2026. "Vào thời điểm đó, chúng tôi dự đoán rằng lượng cung mới sẽ không được thị trường hấp thụ hoàn toàn và có thể khiến thị trường chậm lại theo chu kỳ", bà nói với AP.