Có những điều nhỏ nhặt, không cần quan tâm nhiều khi ở Việt Nam, nhưng khi sang nước ngoài (nhất là châu Âu) nếu không chú ý bạn sẽ tốn bộn tiền, hoặc vướng vào phiền phức lớn đấy nhé.
Chú ý để tránh rắc rối
Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nhìn thấy ảnh giấy tờ tùy thân nhặt được trên các hội nhóm online và lời kêu gọi chia sẻ để chủ nhân sớm tìm lại được. Nhưng nếu bạn ở các nước châu Âu, bạn làm vậy là sẽ chuốc lấy phiền toái về mặt pháp lý đấy.Những du học sinh mới ra nước ngoài cần trang bị hiểu biết về nước sở tại để tránh gặp rắc rối
PHƯƠNG NGUYÊN
Trong trường hợp này, hành động đúng khi nhặt được đồ rơi nên là nộp lại ở đồn cảnh sát, nếu nhận được thư gửi nhầm thì trả lại bưu điện.
Vứt rác, nhớ xóa thông tin cá nhân
Bạn Q.M. đầy ấm ức kể về cái phiếu phạt 150 bảng Anh (gần 4.9 triệu đồng) mà bạn nhận được cùng với bức ảnh một hộp các-tông đựng hàng có ghi địa chỉ và tên bạn, bị rơi ngay trước phòng đổ rác. Không phải bạn cố tình vứt rác không đúng nơi quy định mà có lẽ người dọn rác đã làm rơi lại khi vận chuyển. Q.M. hỏi bạn bè trên Hội sinh viên tìm việc ở Anh xem mình phải xử lý như thế nào với cái phiếu phạt này: "Mình không vứt rác bậy mà phải nộp tiền phạt thì rất "cay"!".Theo như lời khuyên của bạn bè, Q.M. có thể gửi kháng cáo. Nếu Q.M. không kháng cáo, cũng không nộp tiền phạt mà cứ im lặng thì số tiền phạt này có thể bị chuyển sang công ty đòi nợ, thành nợ xấu ghi vào lịch sử tín dụng. Q.M. và bạn bè cũng rút ra một lưu ý nữa là đối với các hộp đựng hàng mà có tên và địa chỉ của mình thì phải bóc thông tin đi, hoặc tô che lại trước khi vứt!
Chìa khóa nhà – vật bất ly thân!
Nếu ở Việt Nam, việc mất chìa khóa chỉ là chuyện nhỏ: gọi thợ đến nhà mở khóa hết chừng 200.000 đồng, làm thêm một chiếc chìa khóa dự phòng chỉ mất chừng 10.000 đồng. Nhưng với du học sinh ở Phần Lan, mất chìa khóa đồng nghĩa với việc phải chi một khoản lớn.Khi sinh viên nhận phòng, công ty cho thuê nhà sẽ giao cho người đó một chìa khóa (thường là chìa từ). Chìa khóa này sẽ dùng để mở rất nhiều cửa: phòng riêng, căn hộ chung, tòa nhà, phòng đổ rác, phòng giặt… Nếu làm mất, chi phí bạn phải trả có thể từ mức 300 euro (khoảng 8,3 triệu đồng) trở lên. Nguyễn Thủy, du học sinh ở Phần Lan cho biết từng phải trả tới 600 euro (16,6 triệu đồng) vì sau khi mình làm mất chìa thì thợ phải điều chỉnh cả ổ khóa.
Những du học sinh mới sang, chưa quen với kiểu khóa cửa ở đây cũng rất dễ "gặp nạn". Chỉ cần cửa bị sập lại là cũng tự động khóa luôn. Nên có những bạn để chìa khóa trong phòng, ra ngoài và gió thổi sập cửa phòng lại, hoặc ra khỏi nhà mà quên mang chìa, thì phí gọi thợ đến mở cửa cũng dao động từ 100 - 195 euro (2,7 - 5,4 triệu đồng). Vậy nên giải pháp đơn giản nhất là gắn luôn chìa khóa vào dây đeo cổ!
Chủ động theo dõi số giờ làm thêm
Mỗi nước đều có quy định số giờ làm thêm tối đa dành cho sinh viên quốc tế, làm việc vượt quá số giờ này là không được phép. Mới đây, trên nhóm Hội du học sinh tìm việc tại Vương quốc Anh, một bạn bức xúc kể lại câu chuyện mình bị chủ quán ăn nơi bạn làm thêm khai làm việc nhiều hơn thực tế: "Mình chỉ làm trung bình từ 8-10 tiếng/ tuần. Bình thường trả tiền qua ngân hàng nhưng tháng trước quán đề nghị trả tiền mặt, mình cũng không suy nghĩ nhiều mà đồng ý luôn. Đến nay mình mới phát hiện là quán đã khai khống gấp đôi số giờ mình thực sự làm…".
Chủ quán làm vậy để khai tăng chi phí, nhờ vậy quán được giảm thuế nhiều hơn, nhưng lại gây rắc rối cho bạn sinh viên đó: "Vấn đề là mình còn làm thêm các công việc khác, cộng lại là đủ 20 tiếng/tuần (số giờ làm thêm tối đa được phép) nên khi khai khống như vậy sẽ ảnh hưởng đến visa của mình. Mình dự định sẽ nghỉ việc ở quán đó ngay và luôn chứ thấp thỏm quá!".
Nguồn : https://thanhnien.vn/nhat-duoc-cua-roi-dung-dang-len-mang-185240828094058824.htm